Phân tích hình tượng nhân vật Mị Trong truyện Vợ chồng A Phủ
Bài làm
Văn chương là chất nhuỵ của cuộc sống. Mỗi tác phẩm không chỉ là một thứ công cụ hiểu biết, khám phá và sáng tạo thực tại xã hội mà còn như một thứ khí giới thanh cao và đắc lực để tố cáo và thay đổi thế giới giả dối, tàn ác làm cho lòng người trong sạch và phong phú hơn. Bằng cách đối thoại với người đọc về một vấn đề nhân sinh nhà văn đang khơi lên ở con người “ khát vọng khôi phục và bảo vệ những cái đẹp”. Tô Hoài bằng những cảm xúc của chính mình đã xây dựng thành công hình tương nhân vật Mị.
Nhân vật Mị nhà văn Tô Hoài xây dựng trong “Vợ chồng A Phủ ” mang một sức sống mãnh liệt, niềm khao khát sống mãnh mẽ. Trước hết về hoàn cảnh sống, vì cha mẹ ăn bạc của nhà giàu kiếp trước, kiếp này người ta bắt con để trừ nợ nên Mị đã bất đắc dĩ bị gả bán và trở thành con dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra. Những ngày tháng làm vợ A Sử, làm con dâu nhà giàu trong làng đối với Mị cùng cực chẳng khác gì thân kiếp một con ở gạt nợ, kẻ tôi tớ thấp cổ bé họng trong nhà. Về đời sống vật chất, Mị làm lụng suốt ngày, khổ cực không bằng trâu ngựa. Có lẽ vì sự tủi nhục ấy mà lúc nào mặt Mị cũng “buồn rười rượi” như tiên báo gương mặt của số phận. Đời sống tinh thần với Mị cũng chẳng khác, cũng suốt ngày “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”.
Trái lại với thân phận nhỏ bé, một hoàn cảnh sống bị áp bức đến cùng cực ấy, Mị lại mang trong mình những phẩm chất là một người con hiếu thảo, biết cuốc nương trả lợi cho bố, ý thức được trách nhiệm của người con gái lớn trong gia đình. Mị còn luôn có một đời sống tâm hồn sâu sắc, phong phú. Chính những vẻ đẹp ấy khiến cho biết bao nhiêu chàng trai làng xa bản gần. Mị không chỉ đắm sắc mà còn đượm hương.
Ý thức phản kháng, một sức sống tiềm tàng, mãnh liệt như viên than hồng bị đè nén dưới lớp đất đá nhưng chỉ cần một làn gió thoảng qua cũng có thể nhen lên ngọn lửa bùng cháy. Khát vọng sống ấy được bắt đầu khơi mở trong đêm tình mùa xuân. Sự rạo rực, vui tươi của đất trời Tây Bắc vào xuân, sự hân hoan, náo nhiệt của những lễ hội, của tiếng nói cười, tiếng sáo “bay lơ lửng đầu làng” đã đánh thức trong Mị niềm khát khao được đi chơi. Cùng với sự thay đổi của đất trời, Mị dần hồi sinh sức sống, một sự phục sinh đầy kì diệu từ một người vốn đã lặng thinh trước cái ác và cái xấu quá lâu. Các giác quan dường như đã thức tỉnh: mắt Mị không còn mông lung mờ mờ mà đã biết đón nhận những màu sắc, tai không còn chỉ nghe thấy tiếng ngựa đập vách mỏi mòn mà đã biết nghiêng mình lắng nghe những âm thanh vui tươi của cuộc sống. Thân xác Mị không còn héo hon mà bắt đầu rạo rực trong men say của bát rượu ngô. Rồi trong Mị hồi sinh về tiềm thức, kí ức. Mị nhận thức về tuổi trẻ “ Mị trẻ lắm, Mị vẫn còn trẻ, Mị muốn đi chơi”. Vì niềm khát khao đó, Mị vào buồng sửa soạn đi chơi như một cách tìm đến ánh sáng, tìm đến hạnh phúc riêng mình mà đã lâu rồi bản thân bỏ mặc. A Sử thấy vậy, hắn không cho Mị đi chơi, hắn “xách cả một thúng sợi đay ra trói đứng Mị vào cột nhà…”. Dù bị trói chặt, Mị vẫn cố vùng bước đi. Sợi dây đay – sợi dây số phận nghiệt ngã có lẽ chỉ trói chặt được chân tay, thân xác Mị mà chẳng thể trói được tâm hồn khao khát tự do đang mạnh mẽ bứt lên ở người phụ nữ này.
Trong đêm đông cởi trói cho A Phủ, diễn biến tâm lý, hành động hình tượng nhân vật Mị được nhà văn Tô Hoài tái hiện vô cùng chân thực và sinh động. Khi vào bếp ngồi hơ tay bên bếp lửa cho đỡ rét, thấy A Phủ bị trói ở đó, mới đầu Mị “thản nhiên”. Sự thản nhiên đó có lẽ chẳng phải xuất phát từ sự vô tâm khi thấy người khác gặp hoạn nạn, mà phải chăng là bởi Mị đã quen với cái khổ đau, đọa đày đó rồi. Sự thản nhiên ấy thực tình đáng thương hơn là đáng trách, xử xự đó đơn giản chỉ là hậu quả của chuỗi ngày đằng đẵng Mị bị đọa đày trong nhà thống lí, làm con ở gạt nợ dưới danh phận quyền quý là con dâu nhà quan trong làng. Hơn nữa, Mị và A Phủ- kẻ bị trói đây khác nhau về trạng thái nhưng thân phận cũng đâu có hơn nhau mà có thể nói hai chữ “cứu giúp”. Nhưng khi thấy “một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại”, Mị nhớ lại đời mình, từ thương thân đến thương người mà căm giận những thế lực tàn ác. Mị tưởng tượng ra cảnh A
Phủ trốn ra được và Mị sẽ là người thế chỗ trong dây trói đó. “Nghĩ thế nào Mị cũng không sợ”, vì đó vẫn là những hình dung, tưởng tượng rất xa. Và Mị quyết định cởi trói cho A Phủ, chỉ thì thào một tiếng: “Đi ngay”. Rồi “Mị đứng lặng trong bóng tối”, căng thẳng, hồi hộp trước một phút giờ quyết định. Câu đứng riêng ra một dòng như một bản lề khép mở hai phần đời của Mị: nô lệ – tự do, sống – chết, bóng tối – ánh sáng. Khát vọng ấy chính là khát vọng nỗ lực tự thân, là bản chất nhân loại, vì thế tác phẩm của Tô Hoài không đi vào minh hoạ sơ sài giản đơn mà trụ lại với thời gian.
Bằng việc xây dựng lên hình tượng nhân vật Mị thật độc đáo, Tô Hoài cũng giúp cho người đọc có cái nhìn về giá trị nhân đạo mới mẻ, có cái nhìn sâu sắc hơn về giá trị sự sống trên cõi đời. Nó thực sự đã vượt lên giới hạn và bờ cõi để cho chúng ta biết sống sâu sắc và ý nghĩa hơn.