Home / Văn mẫu hay lớp 12 / Phân tích diễn biến tâm lý, hành động của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân

Phân tích diễn biến tâm lý, hành động của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân

Phân tích diễn biến tâm lý, hành động của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân

Bài làm

Ai đó đã từng nói rằng: “Nghệ thuật miêu tả tâm lý con người là thước đo tài năng người nghệ sĩ”. Thật vậy, người ta càng phục tài năng sáng tạo nghệ thuật của Tô Hoài hơn khi được tiếp cận với những diễn biến tâm lý, hành động nhân vật mà nhà văn dày công xây dựng. Trong đó, ta không thể không nhắc đến nhân vật Mị với diễn biến tâm lý sâu sắc. Diễn biến tâm lý, hành động nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân đã góp phần khẳng định tài năng, tâm huyết văn chương của nhà văn Tô Hoài.

Tô Hoài đã xây dựng diễn biến tâm lý, hành động nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân hết sức tài tình, thuyết phục để qua đó thể hiện khát vọng sống mãnh liệt của nhân vật. Trước hết, nhà văn viết về tác nhân dẫn đến những diễn biến tâm lý, hành động của Mị trong đêm tình mùa xuân. Đó là một đêm của mùa xuân tràn đầy xúc cảm. Mùa xuân xưa nay luôn gợi cảm hứng cho biết bao nhà thơ, nhà văn sáng tạo nghệ thuật. Viết “Truyện Kiều”, Nguyễn Du cũng từng nhắc đến hình ảnh mùa xuân, đó là mùa xuân nên thơ đượm sắc trong ngày Kiều gặp gỡ Kim Trọng:

“Tuyết in sắc ngựa câu giòn

Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời”

Mùa xuân trong thơ Nguyễn Bính từng gắn với nỗi buồn, niềm khắc khoải chờ mong trong làn mưa xuân xứ Bắc:

“Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay

Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy”

Trong “Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài cũng mượn thời khắc thanh xuân của đất trời với những không khí tưng bừng, với những lễ hội hò hẹn vui tươi để khơi dậy lên thanh xuân của lòng người, ở đây là tinh thần, cảm xúc trong lòng Mị. Trong những câu văn tiếp theo, với vốn hiểu biết phong phú về thiên nhiên, văn hóa vùng cao, nhà văn đã phác họa ra bức tranh xuân đượm sắc màu và đậm âm thanh. Cả không gian bao trùm một sắc màu tươi sáng, nồng ấm: màu “cỏ gianh vàng ửng”, sắc “những chiếc váy hoa đã được phơi ra mỏm đá, xòe như con bướm sặc sỡ”, rồi sắc “hoa thuốc phiện nở trắng lại nở màu đỏ hau, đỏ đậm, rồi nở màu tím man mác”. Đó là sắc màu, còn âm thanh Tô Hoài gợi ra cũng rất sống động: “tiếng chó sủa xa xa” – thứ âm thanh quen thuộc của làng bản chốn này, tiếng vui đùa của “trai gái, trẻ con ra sân tụ tập đánh pao, đánh quay, thổi sáo, thổi kèn và nhảy”. Không gian, thời gian ấy tạo nên một không khí bình yên, ấm áp quá đỗi, khiến cho lòng người cũng hạnh phúc, vui tươi theo.

Xem thêm:  Bình luận bài thơ Đò Lèn của Nguyễn Duy

Thời gian, không gian xuân nhà văn xây dựng đã tạo một bức phông nền thiên nhiên sinh động,trên tấm nền ấy, chân dung nhân vật Mị càng được khắc họa rõ nét hơn. Sức sống xuân dường như đã phục sinh mọi giác quan trong Mị. Đôi mắt xưa chỉ nhìn thấy những thứ “mờ mờ trăng trắng” thì giờ đã đón nhìn những sắc màu rực rỡ, tươi thắm, ấm áp của cuộc đời. “Tiếng chân ngựa đạp vách mỏi mòn” giờ đã tạm mờ đi, mà thay vào đó Mị nghiêng tai đón nhận những âm thanh gọi mời của cuộc sống những ngày chớm xuân sang. Thân xác héo mòn xưa kia nhờ men say bát rượu ngô mà ấm nồng, rạo rực hẳn lên. Mị bỗng nhớ lại ký ức xưa cũ, thời chưa làm con dâu nhà thống lí, thời còn chưa phải chịu đọa đày, khổ cực như bây giờ. Mị nhớ ngày Tết buổi trước mình cũng uống rượu, kí ức ấy thôi thúc Mị “lén lấy hũ rượu, uống ực từng bát”. Rượu như đắng cay tủi nhục cuộc đời mình, Mị uống ực từng bát như để chôn sâu cái cùng khổ ở thực tại. “Rồi say, Mị lịm mặt đấy nhìn người nhảy đồng, người hát. Nhưng lòng Mị lại sống về ngày trước, tai văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng…”. Cơ hồ men say rượu ngô đã giúp Mị có cơ hội quên hiện tại mà sống trọn vẹn với quá khứ, một quá khứ được sống thực là mình, sống bình dị mà vui tươi, hạnh phúc.

Xem thêm:  Cảm nhận khổ thơ 3 và 4 bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh

Tâm hồn Mị nhờ vậy mà “phơi phới” và tràn ngập niềm vui sướng. Mị bỗng thấy mình “trẻ, vẫn còn trẻ và Mị muốn đi chơi”. Vì niềm khát khao đó, Mị vào buồng sửa soạn đi chơi như một cách tìm đến ánh sáng, tìm đến hạnh phúc riêng mình mà đã lâu rồi bản thân bỏ mặc. A Sử thấy vậy, hắn không cho Mị đi chơi, hắn “xách cả một thúng sợi đay ra trói đứng Mị vào cột nhà…”. Dù bị trói chặt, Mị vẫn cố vùng bước đi. Sợi dây đay – sợi dây số phận nghiệt ngã có lẽ chỉ trói chặt được chân tay, thân xác Mị mà chẳng thể trói được tâm hồn khao khát tự do đang mạnh mẽ bứt lên ở người phụ nữ này. Trong bóng tối, Mị choàng tỉnh và nhớ về người đàn bà đồng phận và thấy sợ. Mị sợ, Mị cựa quậy xem mình còn sống hay đã chết. Hình ảnh ấy đã làm sáng lên khát vọng sống mãnh liệt ở Mị, chứng tỏ rằng khi con người bị đẩy đến đường cùng bế tắc, buộc phải đối diện với cái chết, với những lựa chọn khó khăn thì họ càng ham sống, càng mạnh mẽ hơn và khát khao sự giải thoát.

Đoạn văn khắc họa hình tượng Mị trong đêm tình mùa xuân là một đoạn truyện đặc sắc, thể hiện được tài năng nghệ thuật và cái nhìn sắc bén, tinh tế của nhà văn Tô Hoài. Để tạo dựng một cái nền thiên nhiên sống động cho nhân vật hiện lên sắc nét, nhà văn đã phác họa ra một bức tranh thiên nhiên cảnh Hồng Ngài đón Tết đậm sắc màu, âm thanh. Bức tranh ấy đã thể hiện sự hiểu biết sâu rộng về phong tục vùng cao, sở trường miêu tả thiên nhiên và phong tục cùng ngôn ngữ phong phú, đậm đà màu sắc dân tộc của nhà văn. Bên cạnh đó, sự trải nghiệm, tỉ mĩ quan sát cũng góp phần giúp tác giả có sự phân tích diễn biến tâm lý, hành động nhân vật thuyết phục, hấp dẫn. Nếu như bức tranh thiên nhiên phong tục độc đáo đã đóng góp làm phong phú hơn những trang văn viết về đề tài miền núi, thì bức họa tâm lý, hành động sinh động đã góp phần làm đa dạng hơn những tác phẩm viết về số phận, cuộc đời những con người lao động có khát khao sống, khát vọng tự do mãnh liệt.

Xem thêm:  Bình luận về đồng cảm và chia sẻ trong xã hội hiện nay

Đoạn văn miêu tả diễn biến tâm lý, hành động nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân đã khắc họa số phận cũng như nét đẹp tâm hồn người lao động vùng cao còn chịu nhiều bất công, áp bức của chúa đất chúa mường. Qua hình ảnh nhân vật Mị, người đọc càng bị thuyết phục bởi lối viết văn linh hoạt, ngòi bút phân tích tâm lý nhân vật tinh tế và càng thêm yêu quý con người, tài năng ở nhà văn Tô Hoài.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *